Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới

14/03/2024 15:00

Giới thiệu

Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, Luật Các Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 1 năm 2024 (Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới) sẽ thay thế Luật Các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12[1] đang có hiệu lực (Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành). Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới đề xuất những sửa đổi đáng chú ý, ảnh hưởng chủ yếu đến hoạt động của các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc sửa đổi này nhằm củng cố tính ổn định của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động ngân hàng của Việt Nam.

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong khung pháp lý ngân hàng của Việt Nam. Trong đó đưa ra một số quy định mới như: quy định về tăng cường an toàn trong hoạt động, kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; biện pháp can thiệp sớm đối với các ngân hàng gặp khó khăn; ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng; và chính sách xử lý nợ xấu.

Bài viết này sẽ xoay quanh những quy định đáng chú ý của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới, được chia thành hai nhóm chính: (i) quy định lần đầu có hiệu lực và (ii) những sửa đổi đối với quy định hiện hành theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành và pháp luật có liên quan.

Những quy định mới

1. Giải quyết vấn đề rút tiền hàng loạt

Để ứng xử với một số sự cố trong lĩnh vực ngân hàng trong những năm gần đây, Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới đã đưa ra quy định nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến rút tiền hàng loạt. Rút tiền hàng loạt, theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới, là việc nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả.[2]

Trong trường hợp xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt, tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan có nghĩa vụ báo cáo tình hình cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để NHNN xem xét ra quyết định (i) can thiệp sớm hoặc (ii) áp dụng kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.[3] Theo đó, tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan phải tuân thủ thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn tài chính của mình và có thể tận dụng các biện pháp hỗ trợ chủ yếu do NHNN ban đầu đưa ra để bảo đảm mức thanh khoản.[4]

2. Can thiệp sớm của NHNN

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới quy định một chương gồm 6 điều (từ Điều 156 đến Điều 161) về việc can thiệp sớm của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yếu kém.

Can thiệp sớm là việc NHNN áp dụng các yêu cầu và biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó thực hiện phương án khắc phục dưới sự giám sát của NHNN nhằm khắc phục tình trạng gây ra sự can thiệp sớm.[5]

NHNN can thiệp sớm khi xảy ra một trong các tình huống sau:[6]

  1. số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định pháp luật;[7]
  2. tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc NHNN;
  3. tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định pháp luật trong thời gian ba mươi (30) ngày liên tục;
  4. tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định pháp luật trong thời gian sáu (6) tháng liên tục; và
  5. bị rút tiền hàng loạt.

Các biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bởi NHNN bao gồm:[8]

  1. không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản;
  2. hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả và có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng;
  3. đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động;
  4. đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm; và 
  5. thực hiện biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN.

3. Công bố công khai thông tin cổ đông

Cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp, bằng văn bản, một số thông tin cho tổ chức tín dụng trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin.[9] Cổ đông còn có nghĩa vụ gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng về việc thay đổi thông tin đã được công bố, và/hoặc tăng/giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và/hoặc người có liên quan của cổ đông đó từ 1% vốn điều lệ trở lên.

4. Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng 

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.[10]

5. Cung cấp thông tin về người có liên quan của khách hàng

Khách hàng đề nghị tổ chức tín dụng cấp tín dụng phải cung cấp thông tin về người có liên quan của mình cho tổ chức tín dụng.[11]

6. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Việc đưa ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là điểm đáng chú ý của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới. Cơ chế này trong lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò là một môi trường thử nghiệm để các tổ chức có thể ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong phạm vi được xác định trước, có giới hạn về không gian và thời gian thực hiện. Việc tham gia vào cơ chế này đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí xét duyệt cụ thể và chịu sự giám sát của cơ quan Nhà nước có liên quan. Chính phủ sẽ ban hành hướng dẫn về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.[12]

7. Đại lý quản lý

Hiện nay, các ngân hàng thương mại được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh với tư cách là đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho bên cho vay, bao gồm tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo quy định của pháp luật hiện hành.[13] Đây là một tín hiệu tốt vì vai trò này trước đây chỉ được quy định trong bối cảnh các khoản vay hợp vốn.

8. Xác định nợ xấu

Một bổ sung quan trọng khác cho khung pháp lý trong Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới liên quan đến định nghĩa về nợ xấu. Nợ xấu của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm các khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc NHNN, và các khoản nợ xấu mà khoản dự phòng rủi ro đã được sử dụng để xử lý nhưng chưa thu hồi được và đang được theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, nợ xấu còn bao gồm các khoản nợ mà tổ chức mua bán, xử lý nợ đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.[14]

Những quy định được sửa đổi

9. Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa trong tổ chức tín dụng cổ phần

Việc điều chỉnh liên quan đến giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa (bao gồm sở hữu gián tiếp) trong các tổ chức tín dụng như sau:
 

Bên liên quan

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới

Một cổ đông là tổ chức (không bao gồm cổ đông nước ngoài)

15%[15]

10%[16]

Một cổ đông (không bao gồm cổ đông nước ngoài) và người có liên quan của cổ đông đó

20%[17]

15%[18]

Tuy nhiên, các cổ đông và/hoặc người có liên quan của các cổ đông vượt quá tỷ lệ sở hữu tối đa vẫn được phép duy trì cổ phần hiện có của mình kể từ ngày Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới có hiệu lực. Tuy nhiên, họ sẽ không được tăng thêm tỷ lệ sở hữu cổ phần cho đến khi tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu mới, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.[19]

Giới hạn sở hữu cổ phần đối với cổ đông nước ngoài sẽ được Chính phủ quy định cụ thể ở giai đoạn sau.[20]

10. Mở rộng định nghĩa về người có liên quan

Ngoài những chủ thể được xác định là người có liên quan theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành (được giữ nguyên theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới), danh sách mở rộng người có liên quan theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới bao gồm nhiều chủ thể hơn, gồm:[21]

  1. công ty mẹ của công ty mẹ của tổ chức;
  2. công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng; và
  3. cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột.

11. Giảm giới hạn cấp tín dụng[22]

Bên liên quan

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành[23]

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới[24]

Giới hạn cấp tín dụng

Giới hạn cấp tín dụng

Ghi chú

Một khách hàng

Tối đa 15% vốn tự có

Tối đa 14% vốn tự có

Giới hạn sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2029.

Một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó

Tối đa 25% vốn tự có

Tối đa 23% vốn tự có

Giới hạn sẽ giảm 2% mỗi năm cho đến năm 2029.

12. Hạn chế nghiêm ngặt hơn về việc góp vốn, mua cổ phần

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành cấm tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần của (nếu thích hợp) doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng khác là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.[25]

Trong khi đó, theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới, không chỉ tổ chức tín dụng mà cả công ty con của tổ chức tín dụng đều bị cấm góp vốn vào, mua cổ phần của (nếu thích hợp) doanh nghiệp khác hoặc tổ chức tín dụng khác là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó hoặc là người có liên quan của cổ đông lớn hoặc thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.[26]

Trường hợp tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đã sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp không đúng quy định nêu trên trước ngày 1 tháng 7 năm 2024, thì tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng phải xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định mới tại Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới theo hướng dẫn của Thống đốc NHNN.[27]

13. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới quy định thứ tự ưu tiên thanh toán rõ ràng hơn trong việc phân chia số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên liên quan, so với quy định tương ứng tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21 tháng 6 năm 2017 và hết hạn vào ngày 1 tháng 1 năm 2024 (Nghị Quyết 42).

Theo Điều 199.1 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới, việc phân chia số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải tuân theo thứ tự ưu tiên sau đây:

  1. chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;
  2. chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;
  3. án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; 
  4. khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó, gồm thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ; 
  5. nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và tổ chức mua bán, xử lý nợ; và 
  6. nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

14. Không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, Nghị Quyết 42 chủ yếu quy định về thẩm quyền của tổ chức tín dụng, phụ thuộc vào điều kiện luật định cụ thể, được thu giữ tài sản bảo đảm nếu bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản đó không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, bên cạnh các chủ thể khác, nhằm mục đích thanh lý tài sản.[28]

Mặc dù kỳ vọng rằng các quy định tại Nghị Quyết 42 sẽ được lồng ghép vào khung pháp lý mới của lĩnh vực ngân hàng để tăng cường tính nhất quán, Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới không có bất kỳ quy định tương tự nào thừa nhận thẩm quyền hợp pháp của các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

15. Chuyển nhượng dự án bất động sản để thu hồi nợ

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới[29] cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ mà không phải đáp ứng điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng, với điều kiện: 

  1. dự án bất động sản có liên quan phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật để được chuyển nhượng hợp pháp và phải có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; và 
  2. bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tải bản tin về máy tại đây: Bản tin cập nhật Pháp luật - Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới


[1] Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2010 và được sửa đổi, bổ sung vào tháng 11 năm 2017.

[2] Điều 4.31 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[3] Điều 156.1(đ), 162.1(đ), 191.1, và 191.2 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[4] Điều 191 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[5] Điều 4.3 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[6] Điều 156.1 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[7] Theo Điều 138.1(b) Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc tỷ lệ cao hơn do Thống đốc NHNN quy định trong từng thời kỳ.

[8] Điều 157.2 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[9] Điều 49 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[10] Điều 15.5 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[11] Điều 102.3 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành.

[12] Điều 106 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[13] Điều 114.2 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[14] Điều 195 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[15] Điều 55.2 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành.

[16] Điều 63.2 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[17] Điều 55.3 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành.

[18] Điều 63.3 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[19] Điều 210.11 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[20] Điều 63.7 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[21] Điều 4.24 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[22] Mức tối đa này không áp dụng đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trừ quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.

[23] Điều 128 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành.

[24] Điều 136 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[25] Điều 129.5 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Hiện Hành.

[26] Điều 137.5 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[27] Điều 210.5 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

[28] Điều 7 Nghị Quyết 42.

[29] Điều 200 và 210.15 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Mới.

Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.