Dự thảo Nghị định Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

08/05/2025 17:00

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Việt Nam dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định số 70/2023/NĐ-CP (Nghị định 152) quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Dự thảo Nghị định). Các thay đổi được đề xuất theo Dự thảo Nghị định nhằm rút gọn các yêu cầu tuân thủ và làm rõ các quy định hiện hành, qua đó có thể giúp thu hút các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài có chuyên môn và kỹ năng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng lao động có tay nghề cao và hỗ trợ phát triển kinh tế. Dưới đây là một số thay đổi đáng chú ý theo Dự thảo Nghị định.

1. Làm rõ định nghĩa    
Dự thảo Nghị định làm rõ định nghĩa về người lao động nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng. Cụ thể, theo quy định về hình thức người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà Dự thảo Nghị định quy định, hình thức "Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật" bị loại bỏ vì hình thức này có thể bị hiểu nhầm là vị trí công việc, gây khó khăn trong việc xác định thành phần của hồ sơ chứng minh hình thức làm việc.[1] Nội dung này được thay thế bằng hình thức người lao động nước ngoài "được điều chuyển từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam làm việc" để tránh nhầm lẫn.[2]

2. Thay đổi cơ quan có thẩm quyền

Sau khi sáp nhập Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý nhà nước các vấn đề liên quan đến lao động. Trong bối cảnh này, Sở Nội vụ sẽ có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận miễn giấy phép lao động, trừ trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trụ sở.[3]

3. Bỏ yêu cầu về chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài        
Theo Dự thảo Nghị định, người sử dụng lao động không còn cần phải giải trình riêng về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Theo đó, thủ tục này được đề xuất gộp vào với thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động.[4] Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động chỉ cần làm thủ tục đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, không phải làm thủ tục chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Thay đổi này dự kiến sẽ rút ngắn tổng thời gian cần thiết để được cấp giấy phép lao động xuống còn khoảng 10 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ được nộp.[5] Điều này đồng thời giúp giảm chi phí liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài.

4. Quy định mới về hồ sơ xin cấp giấy phép lao động mới 
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đã được gia hạn một lần mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh ghi trong giấy phép lao động cho người sử dụng lao động cũ thì phải xin cấp giấy phép lao động mới để tiếp tục làm việc tại Việt Nam.[6] Theo Dự thảo Nghị định, quy định này được áp dụng cho người lao động nước ngoài nói chung, thay vì chỉ giới hạn ở các chuyên gia và lao động kỹ thuật theo quy định hiện hành.[7]

5. Gia hạn giấy xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Theo quy định hiện hành, thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động tối đa là 2 năm. Khi thời hạn này kết thúc, người sử dụng lao động có thể xin cấp lại xác nhận.[8] Tuy nhiên, theo Dự thảo Nghị định, người sử dụng lao động có thể yêu cầu gia hạn giấy xác nhận này.[9] Đây là một thay đổi thiết thực cho phép người sử dụng lao động không phải nộp hồ sơ xin cấp mới giấy xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài vẫn thuộc đối tượng và cần gia hạn giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. 

Ngoài những thay đổi trên, Dự thảo Nghị định cũng có các quy định chuyển tiếp để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được liền mạch và tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động hợp lệ hoặc các giấy phép có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành có thể tiếp tục sử dụng các giấy tờ đó cho đến khi hết hạn.[10]

Nhìn chung, Dự thảo Nghị định đã đưa ra những thay đổi quan trọng trong quy định liên quan đến việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Văn bản đề xuất một hệ thống hiệu quả hơn, có thể khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài. Dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét và có thể được sửa đổi thêm. 


 Tải bản tin về máy tại đây: Legal Update (VN) - Draft Decree on Regulation Regarding Foreign Employees Working in Vietnam - May 2025.pdf


[1] Điều 2.1i Nghị định 152

[2] Điều 2.1h Dự thảo Nghị định

[3] Điều 4 Dự thảo Nghị định

[4] Điều 18.1 Dự thảo Nghị định

[5] Điều 22.2 Dự thảo Nghị định

[6] Điều 20.3 Dự thảo Nghị định

[7] Điều 9.9c Nghị định 152

[8] Điều 8.2 Nghị định 152

[9] Điều 15 Dự thảo Nghị định

[10] Điều 32.1 Dự thảo Nghị định

 


Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.